Các nghiên cứu và tài liệu về Hoàng Sa
Vào thế kỷ thứ 18, bộ sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn đã có nói tới Hoàng Sa và Trường Sa. Cuốn sách này cũng kể việc người Việt Nam đã khai thác hai quần đảo này ngay từ thời Lê mạt. Các tài liệu khác nói về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa là bộ Hoàng Việt Địa Dư Chí được ấn hành vào năm Minh Mạng thứ 16 tức là năm 1834 và Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1782 - 1840). Sách Hoàng Việt địa dư chí có chép:
Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi, các vua đời trước đặt ra đội quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường là lấy người xã An Vĩnh (Quảng Ngãi - huyện Bình Sơn - phủ Tư nghĩa) để luôn luôn canh giữ. Hàng năm cứ đến tháng 3 nhận lệnh mang theo lương thực trong 6 tháng rồi dùng 5 chiếc thuyền ra khơi, đi trong 3 ngày 3 đêm thì đến đảo, đến nơi vừa canh giữ, vừa đánh cá mà ăn. Vật báu ở đó rất nhiều, nên đội quân này vừa làm nhiệm vụ canh giữ, vừa khai thác vật báu. Đến tháng 8 thì về, họ vào Cửa Eo (Thuận An) lên tâu nộp ở thành Phú Xuân. Ngoài các sử gia bản xứ, một số các tác giả người Pháp cũng nói tới chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Vào năm 1836 Đức giám mục Taberd đã viết trong cuốn sách Địa dư, lịch sử và mô tả mọi dân tộc cùng với tôn giáo và phong tục của hội (Univer, histoire et description de tous les peuples, de leurs religion et coutumes) như sau:
"Tôi không kể dài dòng về
những đảo thuộc Nam Kỳ, nhưng chỉ nhận xét rằng từ 34 năm nay, người Nam Kỳ đã chiếm cứ nhóm quần đảo Paracels mà người An Nam gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa, thực là
những hòn đảo nhỏ bí hiểm, gồm
những mỏm đá xen lẫn với các bãi cát mà
những người đi biển đều kinh hãi. Tôi không rõ họ có
thiết lập cơ sở gì ở đó không, nhưng chắc chắn rằng Hoàng Đế Gia Long nhất định muốn mở rộng lãnh thổ của Hoàng Triều bằng cách chiếm quần đảo này, và vào năm 1816, ngài đã long trọng trương lá cờ tại đây". Trong tác phẩm Hồi ký về Đông Dương, tác giả Jean Baptiste Chaigneau cũng ghi rằng vua Gia Long đã chính thức thu nhận quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816.
Khi người Pháp đặt nền bảo hộ trên toàn cõi Đông Dương, họ cũng tiếp tục lãnh nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa. Vào các năm 1895 và 1896, có hai chiếc thương thuyền tên Bellona và Iruezi Maru chở đồng cho người
Anh bị đắm tại nhóm đảo Tuyên Đức và bị người Trung Hoa đến đánh cướp. Đại diện người
Anh tại Bắc Kinh đòi nhà Thanh phải bồi thường vì có một số đồng được đem về bán tại đảo Hải Nam. Nhưng chính quyền nhà Thanh không chịu bồi thường, viện cớ quần đảo Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Hoa.
Đại Thanh đế quốc toàn đồ xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ tư năm 1910 chỉ vẽ đế quốc Đại Thanh đến đảo Hải Nam.
Trung Quốc địa lý học Giáo khoa thư xuất bản năm 1906 viết: "Điểm mút của Trung Hoa ở Đông Nam là bờ biển Nhai Châu, đảo Quỳnh Châu, vĩ tuyến 18°13' Bắc".
Sau sự kiện tháng 1 năm 1974, các học giả Trung quốc tìm kiếm trong sách cổ, dựa vào các chi tiết liên quan đến biển Đông mà họ gọi là Nam Hải, để làm bằng chứng cho luận
thuyết "các đảo Nam hải xưa nay là lãnh thổ Trung Quốc" do nhân dân TQ "phát hiện và đặt tên sớm nhất", "khai phá và kinh doanh sớm nhất", do Chính phủ Trung quốc "quản hạt và hành sử chủ quyền sớm nhất". Đầy đủ nhất có thể kể đến cuốn "Tổng hợp sử liệu các đảo Nam Hải nước ta" do Hàn Chấn Hoa, một giáo sư có tên tuổi ở Trung Quốc và nước ngoài, chủ biên (1995-1998), xuất bản năm 1988. Các ấn phẩm về sau như của Phan Thạch
Anh và nhiều học giả Đài Loan cũng chủ yếu dựa theo cuốn sách này.
Năm 1996, cuốn "Chủ quyền trên quần đảo Paracels và Spratlys" của bà Monique Chemilier Gendreau, một luật sư, giáo sư có tên tuổi ở Pháp và nước ngoài ra mắt bạn đọc đã làm cho các học giả Trung Quốc bối rối và họ đã mời bà sang Bắc Kinh nói là để cung cấp thêm tài liệu. Bà đã đến Bắc Kinh và đối mặt với mấy chục học giả Trung Quốc. Bà cho biết, học giả Trung Quốc không giải đáp được
những vấn đề do bà đặt ra, không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào có sức
thuyết phục.
Ngày 3 tháng 9 năm 1993, trong bài đăng trên tạp chí Window (Hồng Kông) tác giả Phan Thạch
Anh đưa ra sự kiện quần đảo Nam Sa được sát nhập vào đảo Nam Hải năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời nhà Đường (789) và thủy quân đời nhà Nguyên đã đi tuần quần đảo Nam Sa năm 1293. Nhưng
khi tạp chí Thông tin khoa học xã hội số 4/1994 của Việt Nam khẳng định và chỉ rõ tài liệu liên quan đến hai sự kiện này không liên quan gì đến các quần đảo ở Biển Đông thì trong cuốn sách mới xuất bản về quần đảo Nam Sa năm 1996, tác giả Phan Thạch
Anh đã không nhắc đến hai sự kiện này nữa.
Một trong
những nghiên cứu mới nhất được công bố về Hoàng Sa là luận án tiến sĩ của ông Nguyễn Nhã, đề tài [Quá
trình xác lập chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa][1], bảo vệ ngày 18 tháng 1 năm 2003 (29 năm sau trận hải chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam Cộng Hòa) tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Ông Nguyễn Nhã nói: "Với luận án tiến sĩ này, tôi thách thức các nhà nghiên cứu các nước, kể cả Trung Quốc, có một đề tài xác lập chủ quyền Hoàng Sa mang tính khoa học được như tôi". [2]
(trích đăng và biên tập lại từ Wikipedia)
Nguồn gốc:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Hoàng_Sa