Các thai phụ không nên vì quan điểm "ăn cho hai người" mà ăn uống quá nhiều khi mang thai.
Ăn uống quá mức và ít luyện tập làm nhiều phụ nữ khi mang thai và cho con bú bị tăng cân quá mức, gây nhiều hậu quả không tốt cho sức khỏe. Với chiều cao của phụ nữ Việt Nam hầu hết dưới 160 cm, việc tăng 10-15 kg trong quá trình mang thai là bảo đảm. Tuy nhiên, do nghĩ ăn càng nhiều càng tốt cho em bé nên nhiều người tăng cân quá mức, khiến cơ thể không tương xứng với cân nặng, nguy cơ tai biến sản khoa cũng cao hơn.
Điều kiện ăn uống không hợp lý cộng với thói quen lười vận động khiến các sản phụ vẫn tiếp tục tăng cân sau sinh. Những phụ nữ nặng khoảng 45-50 kg thời con gái nhưng sau khi sinh tăng thành 70-80 kg không phải là hiếm.
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính và giảm khả năng tình dục. Nó không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt, nguy hiểm hơn là gây ra nhiều chứng bệnh, làm giảm tuổi thọ và mất nhiều chi phí điều trị. Theo thống kê, người béo phì có tỷ lệ mắc bệnh tim và tắc nghẽn mạch máu não cao gấp 2 lần người có cân nặng bình thường, những căn bệnh như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp... đều rất phổ biến. Như vậy, tuổi thọ của họ giảm khoảng 4-8 năm so với người bình thường, chưa kể đến những trường hợp đột tử. Người béo phì còn giảm khả năng lao động và nhất là sức bền trong vận động, chức năng hô hấp, sinh sản cũng bị hạn chế, hay mắc phải các bệnh gan mật, nhất là sỏi mật, gan nhiễm mỡ và các bệnh nội tiết như tiểu đường.
Phụ nữ béo phì rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, tiết niệu, kinh nguyệt bị rối loạn làm giảm khả năng sinh sản và hoạt động tình dục. Tình trạng viêm nhiễm nếu không được điều trị tốt dễ dẫn đến viêm dính tử cung, vòi trứng, thậm chí ung thư tử cung, viêm bàng quang, đường tiết niệu, thận.
Người ta cũng nhận thấy rằng những phụ nữ sinh con sau tuổi 25 thì nguy cơ béo phì sẽ tăng lên.
Các biện pháp tránh béo
Chỉ nên ăn đủ: Cho dù khi mang thai, người phụ nữ không chỉ ăn cho mình mà còn phải nuôi thai nhi thì cũng nên nhớ rằng, điều quan trọng không phải là ăn thật nhiều mà là ăn cân đối các chất, không nên dùng quá nhiều bánh kẹo, nhất là đồ ăn sẵn. Không bao giờ để cho cơ thể quá đói nhưng cũng không nên trong tình trạng ăn no quá mức.
Để kiểm soát tốt cân nặng, nên đi khám thai thường xuyên, kiểm tra cân nặng của mẹ và em bé, các bác sĩ sẽ cho lời khuyên điều tiết ăn uống hợp lý.
Duy trì vận động hằng ngày: Tập luyện cần được duy trì ngay cả trước và sau sinh. Đối với những người có tiền sử sẩy thai thì 3 tháng đầu cần vận động hạn chế, còn người khỏe mạnh thì vẫn tiến hành những biện pháp như đi bộ hay tập yoga. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tập luyện thời kỳ mang thai không chỉ giúp cơ thể dẻo dai hơn khi đẻ mà còn làm cho quá trình trao đổi chất giữa mẹ và con được tốt hơn, tăng sức đề kháng của cơ thể mẹ, giảm được nhiễm độc thai nghén, có thể duy trì nguồn sữa dài hơn và chất lượng hơn.
Đi khám nếu sau sinh vẫn tiếp tục béo phì: Đây là điều các sản phụ thường chủ quan. Bạn nên đi khám nhất là khi kinh nguyệt thất thường, có biểu hiện viêm ngứa cơ quan sinh dục. Quan trọng hơn, những người béo lâu sau sinh cần kiểm tra đường huyết, mỡ máu để điều trị sớm nếu có rối loạn.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
=>>Lý do mà da của bạn bị xấu hơn mong đợi <<=
|