HỒI THỨ NHẤT: MỞ BÀI
Trà đạo của bên Phù Tang thì rõ rồi, còn tửu đạo thì xin thề là hắn chưa từng nghe qua. Ấy là do hắn bí từ nên gọi bừa thế thôi chứ làm quái gì có cái gọi là đạo của thú uống rượu. Cơ mà qua kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chè chén mà hắn nhận thấy tuy các cuộc nhậu diễn ra muôn hình vạn trạng, vô tiền khoáng hậu nhưng về tổng quát thì cứ như thể được ấn định bởi một nghi thức chung vậy.
Vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21; theo đà đi lên của nền kinh tế thì phong trào nấu rượu lậu, pha chế rượu nhái theo đủ loại thương hiệu kiểu vừa đi vừa nấu, vừa bán cùng với phong trào nhậu nhẹt, chén tạc chén thù phát triển đến độ vô cùng rực rỡ.
Nghe bạn hắn bảo: Điều kiện để có một bữa nhắm rượu ngon bao gồm 3 yếu tố cấu thành sau:
Một là: Nhắm rượu lúc đói;
Hai là: Thời gian không hạn chế;
Và quan trọng nhất là: Không phải trả tiền.
Đó hẳn là một đạo lý chăng? Hắn suy nghĩ và thấy cũng đúng lắm.
Trưa nay – ngày nghỉ cuối tuần, ông anh họ mời hắn đến dự bữa cỗ tất niên. Đối chiếu với các điều kiện cần và đủ, hắn xác định: Đây rõ là một bữa nhắm ngon! Đúng quá đi rồi.
Hơn 11 giờ trưa, kiến bò trong bụng, hắn áo sống rồi sang nhà ông anh. Đến ngõ đã nghe vẳng ra bản nhạc từ dàn loa thùng, ca sĩ đang hát câu “Đời vẫn đẹp sao”. Trong nhà, thực khách đã tề tựu đông đủ. Trước hiên, một cây đào thắm được trồng trong chậu, hoa lá đang độ khoe sắc; trên sập gụ giữa nhà, ông anh đang ngồi pha trà, rót nước mời mấy ông khách; bà chị với ấy đứa cháu thì chạy lên, chạy xuống chuẩn bị cỗ bàn. Tất bật nhưng trông ai cũng phấn khởi, hồ hởi. Xem ra năm rồi hai bác với các cháu đều làm ăn khấm khá thì phải – Hắn nghĩ.
Chủ khách chào hỏi lẫn nhau, rót chén trà đặc mời hắn uống rồi ông anh chủ nhà buông chân, xỏ dép đứng dậy, hai tay lồng vào nhau, lựa lời:
– Chú Hương đến rồi, mọi người cũng đông đủ cả. Thế này không phải cơ mà có nhẽ xin phép các chú để được kiện toàn, bưng mâm thôi nhỉ?
Hắn liếc nhìn đồng hồ: 11 giờ 30.
Giờ này bưng mâm là phải quá đi ý chứ? Còn “phải ” với “không phải” cái quái gì nữa? Cái nhà bác này rõ khéo vẽ – Hắn nghĩ thầm nhưng không tiện nói ra.
– Có câu: “ăn tùy chủ, ngủ tùy con” hai bác đã có lòng thì chúng em đây cũng sắn sàng “nước mắm” thôi ạ – Một ông anh họ khác cũng là khách mời, vui vẻ đại diện đáp lễ.
Được lời, ông anh chủ nhà liền quay xuống bếp lớn tiếng gọi:
– Chúng mày đâu, dọn mâm!
Lập tức, rượu và các món nhắm liền được bưng ra.
Thật đúng là:
Bữa cỗ chuẩn bị đã lâu
Khai tiệc chủ – khách hợp nhau ý tình.
Muốn biết diễn biến cuộc rượu ra sao, xem hồi sau sẽ rõ./.
HỒI THỨ HAI: DIỄN BIẾN
Nâng chén nồng người mời tha thiết
Cạn ly cay khách biết sao từ?
Trước nói, bấy giờ rượu thịt đã được bày ra. Cỗ to đấy – hắn ngầm quan sát và đánh giá. Có cả món tiết canh mà hắn ưa thích nữa.
Sau một hồi giằng co ầm ĩ, cuối cùng trật tự cũng được vãn hồi. Quần hùng chiếu theo thứ bậc, phân vai chủ khách cùng ngồi.
Trên sập gụ giữa nhà, mâm nhất gồm: ông chủ nhà, 3 người em họ và 2 ông hàng xóm; tả hữu trên giường hai gian bên là hai mâm nhì có thằng cháu cả, thằng cháu hai, thằng cháu rể và mấy thanh niên là bạn của chúng nó; còn đâu là mâm dưới đất gồm lũ đàn bà, con gái với lũ trẻ con cùng tọa lạc.
Và tuy mức độ có khác nhau, nhưng cũng như mọi tiệc rượu khác, không khí thật là phấn khích, và tiệc rượu diễn ra mà ở đó xuất hiện rất nhiều khái niệm và kiến thức vô cùng mới mẻ, thú vị, đến nỗi hắn nghĩ cũng phải chép lại để huynh đệ trên giang hồ có thể tham khảo hoặc giả lấy đó làm kiến thức bỏ túi phòng khi lâm sự.
Lại nói: Khi các chén rượu đã được rót đầy, ông anh chủ nhà hai tay xoa vào nhau, trịnh trọng có nhời:
– Cũng xin báo cáo với các chú, các cháu thế này: Năm qua, nhờ ơn bề trên ban cho mưa thuận gió hòa, gia đình tôi già trẻ, lớn bé đều khỏe mạnh; mùa màng cũng được mấy phần khấm khá. Hôm nay, nhân dịp năm cũ sắp qua, xuân mới cũng đã về đến đầu ngõ; vợ chồng tôi có thịt con lợn còi, thửa chén rượu nhạt, trước là để dâng cúng tạ ơn các đấng bề trên, sau là mời các chú, các cháu cùng chung vui với gia đình chúng tôi. Cỗ bàn có mặn nhạt ra sao mong chư vị thông cảm cho!
Nói đoạn, ông anh nâng chén rượu và tiếp:
– Chén này là chén cảm ơn và chúc sức khỏe tất cả, xin mọi người cùng cạn cho ạ!
Rồi ông quay sang mâm mấy thanh niên đề nghị:
– Đứa nào tốt giọng hô giúp chú một tiếng để ta cùng uống cho có khí thế.
– Các ông để con – Một cậu thanh niên tức thì nhận và thực thi trách nhiệm theo một cách khá là chuyên nghiệp:
– Mọi người cùng hô theo con nhá! nào…Một…hai…ba: z..ô; hai…ba…: z..ô; hai…ba: uống…!
Và hiệu quả thấy rõ: tất cả các chén đều được thực khách ngửa cổ uống hết.
(thuật ngữ trong uống rượu: rót đầy và uống cạn chén người ta có khối cách gọi khác nhau, tỷ dụ như: “trưm phần trăm”; “50% nửa dưới” hay gọi là “Cao Bằng” và “Bắc Cạn”…, quý vị lưu ý cho).
Uống xong, các thành viên ở mỗi mâm hoan hỉ lần lượt bắt tay nhau. Ông chủ nhà vồn vã:
– Nào! đề nghị các chú, các cháu cầm đũa tích cực đưa cay cho ạ!
Bắt tay nhau sau khi cạn chén là một thủ tục mới xuất hiện gần đây thôi, nhưng đã nhanh chóng trở thành một nét đẹp không thể thiếu. Bạn cần phải lưu ý điều này, nếu không muốn bị mọi người chê cười là khiếm nhã.
Uống rượu kiểu vừa xong gọi là kiểu “thế giới đại đồng” hay dân dã gọi là kiểu “vãi chài”.
Vãi chài có thể là tất cả mọi người trong tiệc cùng uống, cũng có thể vãi chài theo khu vực (trong từng mâm). Ngoài ra còn có các kiểu uống giao lưu như: “song phương”, “đa phương” hoặc “sầu riêng” (hai, ba người uống riêng với nhau); “sầu riêng” nhưng có sự tham gia của một vài vị bề trên gọi là “chứng kiến”; sầu riêng mà có bên thứ ba là bề dưới tham gia gọi là “hưởng ứng”…
Áng chừng mỗi người đã được vài gắp đưa cay, ông anh chủ nhà cũng là chủ xị mâm các cụ, có ý kiến:
– Vừa xong là mời chung, giờ tôi xin được mời các chú, các bác trong mâm ta một chén.
Vừa nói, ông vừa với tay rót rượu, giục khách nâng chén và đề nghị:
– Ta trăm phần trăm cái nhỉ?
– Năm mươi thôi bác ạ! Chứ cái tang rượu thửa này của bác xem ra chắc đấy, 100% thì kềnh nhanh lắm, xin bác – Một ông khách ý kiến.
– Không được! Đây mới chính thức là chén tôi chúc sức khỏe các ông, cứ phải hết, chén sau thì tùy – ông chủ nhà cương quyết.
Nể tình, 5 ông khách trong mâm đều nâng chén cạn một lượt với chủ. Chủ nhà lần lượt bắt tay từng người. Khi chìa tay về phía hắn, ông liền rút tay lại như phải bỏng và hỏi:
– Chú Hương chuyển sang làm nghề cơ khí từ bao giờ thế?
– Bác bảo sao cơ ạ? – Hắn ngơ ngác.
– Sao lại để long đen dày thế kia? – ông anh hỏi lại.
Hóa ra chén của hắn vẫn còn rượu. Về nguyên tắc: phải cạn chén như ý người mời thì mới được bắt tay. Hắn đành dốc ngược chỗ rượu còn lại vào cổ họng, úp cái chén không trên lòng bàn tay, xin ý kiến:
– Thế này được rồi chứ ạ?
– Tốt lắm! – Ông anh khẳng định, tiếp tục bắt tay từng người và không quên giục khách cầm đũa.
Cứ như thế, mâm “các cụ” chủ và khách lần lượt hết “vãi chài” lại đến “sầu riêng”, “chứng kiến”…Bên hai mâm nhì, không khí còn náo nhiệt hơn thế.
Nhắm được một hồi, hắn nhấp nhổm cầm chén rượu lựa lời:
– Xin phép các bác, em sang uống với các cháu một chút.
– Chú cứ tự nhiên – ông anh chủ mâm cho phép.
Sang đến mâm có thằng cháu cả, chưa kịp ý kiến gì thì một cậu đã nhanh nhẩu:
– Nhiệt liệt chào mừng ông Hương có chuyến thăm và là việc tại mâm ta, đề nghị hoan hô! – Y bắt nhịp và tức thì cả mâm đồng loạt vỗ tay.
Hắn cười tươi, chào hỏi và đặt vấn đề:
– Vì điều kiện công việc, chú thường xuyên vắng nhà, hôm nay nhờ ơn bác cả được gặp đông đủ các cháu ở đây cho chú được uống với các cháu một chút nhá!
– Dạ! Được ông quan tâm thế này là hạnh phúc cho chúng con lắm ạ – Một cậu thanh niên đáp lễ – cơ mà theo quy chế thông thường thì không được mang tài liệu vào phòng thi đâu ông ạ!
– Sao cơ? – Hắn lại ngơ ngác.
– Thì đấy – Cậu thanh niên chỉ vào chén rượu hắn đang cầm trên tay – Xin ông cứ xử lý xong số tài liệu này đi đã rồi ông con mình vào phòng thi.
Lưu ý: Nếu không muốn vướng vào rắc rối như hắn trong tình huống này thì tốt nhất bạn chỉ mang chén không khi đi uống giao lưu.
Chẳng biết làm thế nào, hắn đành ngửa cổ uống cạn chén rượu cầm trong tay. Ai bảo hắn thích giao lưu mà lại không thuộc quy chế?
– Bây giờ chú rót được rồi chứ? – Hắn vừa hỏi vừa rót rượu vào các chén trong mâm.
– Ấy chết! Ông để con – Một cậu giằng lấy chai rượu trong tay hắn và tiếp – Chẳng mây khi chúng con được uống rượu cùng ông, ông con ta cứ “Cao Bằng” cái đi ông ạ!
– Thôi được! – Hắn rộng lượng đồng ý.
Thế là, ông con nhà hắn đồng thanh hô to Một….hai …và “Bắc Cạn” tức thì, rồi phấn khởi bắt tay chúc nhau hạnh phúc.
Tiếp sang mâm có thằng cháu hai, thủ tục lại lặp lại như thế, chỉ có điều hắn không mắc phải lỗi phạm quy mà thôi.
Sau một thời gian thăm và làm việc tại các lân bang, hắn trở về nước, tặc lưỡi:
– Hậu sinh khả úy! Các cháu bây giờ trình chúng nó cao thật. Anh em mình theo chúng nó còn dài.
– Còn phải kể! – Một ông anh tái khẳng định – cơ mà anh em mình phải uống một chén mừng đón chú Hương có chuyến công tác nước ngoài thành công rực rỡ trở về chứ nhỉ?
– Phải quá còn gì – Một ông khác đồng tình.
Thế là lại cao bừng, bắc cạn và bắt tay.
Sau chuyến công du của hắn là các chuyến công du của các cụ khác trong mâm.
Bây giờ đến lượt các nước chư hầu đến ra mắt, trình quốc thư. Hết thằng cháu cả, thằng cháu hai, thằng cháu rể rồi đến lũ bạn của chúng nó đến uống mừng các cụ. Được cái “đứng thì đầy, ngồi thì vơi” là nội dung quy chế mà mâm các cụ đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện, thành ra chỉ phải uống với mỗi đứa nửa chén mà thôi.
Hắn cũng chẳng nhớ nổi giờ này mình đã uống bao nhiêu chén nữa. Đến lượt cậu thanh niên cuối cùng sang chúc rượu, hắn lượng sức mình không kham nổi nên chỉ giả vờ nhấp môi. Tuy nhiên, hành vi của hắn không thể lọt qua đôi mắt tinh tường của gã thanh niên.
– Ấy chết! Ông mà làm thế thì con buồn lắm – Cậu ta cầm chén rượu của hắn lên với vẻ mặt không hài lòng thấy rõ.
– Thông cảm cho chú đi, chú uống nhiều quá rồi – Hắn nài nỉ.
– Thế này là ông khinh con nghèo nên không thèm uống với con chứ gì – Cậu ta mếu máo như trực òa khóc.
Thấy tình thế cấp bách, hắn đành đánh liều ngửa cổ cạn chén rượu mời để chứng tỏ thiện chí. Cậu thanh niên phấn khởi, cười tươi như đóa phù dung buổi chiều, lần lượt bắt tay tạ ơn các đấng bề trên và xin phép về nước.
Bên kia, cuộc vui của lũ thanh niên vẫn đang độ cao trào. Hắn liếc nhìn chúng mà không khỏi có chút ganh tị. Thằng cháu cả là chủ xị mâm nhì, nhận được nhiều lời cảm ơn, chúc tụng, trách nhiệm cũng khá nặng nề, rượu đến giờ này xem ra cũng khó lòng mà chịu thêm được nữa, đang giằng co xin khất một chén do khách bạn mời chúc, nhưng tình thế có lẽ không thể chối từ.
Vợ nó đang cho con bú ở mâm dưới đất, thấy tình hình không can thiệp không được, thị vội đưa con cho bà nội, chạy lên lo lắng:
– Xin các bác thông cảm cho nhà em, cho phép em được uống đỡ nhà em chén này.
– Cũng được! Nhưng chỉ chén này thôi nhá! – Một cậu khách thay mặt mâm cho phép.
Được lời, cháu dâu trưởng liền bưng chén rượu uống cạn hộ chồng. Người ta nói quả không sai: đằng sau thành công của một người đàn ông, thể nào cũng có bóng dáng của một người đàn bà. Trường hợp này trong đánh chén người ta gọi cháu dâu là quân “phù tửu” hay là “chân gỗ”. Chân gỗ có nhiệm vụ rót rượu mời khách và uống đỡ cho bề trên khi khách mời lại. Hôm nay chỉ là tình thế, tiệc nhỏ của gia đình nên không bố trí đội chân gỗ. Còn đâu khi có tiệc lớn hay tiệc xã giao vì công việc giữa các đối tác, người ta chọn hẳn hoi mấy cô cậu trợ lý, thư ký trẻ đẹp làm quân phù tửu. Vừa rồi ở một tỉnh Miền Trung người ta gọi mấy cô giáo trẻ đẹp đi tiếp rượu khách có lẽ cũng là vì ý ấy.
Đấy, tình hình diễn ra cứ như thế, các từ ngữ chuyên ngành từ kinh tế, kỹ thuật, địa lý, an ninh, quốc phòng…và còn nhiều khái niệm khác nữa được sử dụng làm thuật ngữ trong tiệc rượu nhưng có lẽ…để khi khác, say quá đi rồi, hắn không thể nhớ chuẩn xác được nữa.
Cuộc vui nào rồi cũng phải kết thúc. Khi các cụ đã no say cả, ông chủ nhà liền gọi vợ con:
– Chúng mày đâu! Dọn mâm xuống rồi pha cho bố ấm chè.
Trên sập gụ, trong 6 người thuộc biên chế mâm các cụ thì hắn và 3 ông nữa đã gà gà, gật gật, áng chừng không trụ được bao lâu nữa.
Uống vội chén nước chè nóng, chẳng kịp trò chuyện gì thêm, hắn liền có nhời:
– Thôi thì, tóm đi tóm lại là vừa đúng hai tóm. Cảm ơn hai bác với các cháu đã cho ăn no, uống say, có nhẽ em phải xin phép các ông để được về nhà dệt chiếu cái đã.
– Thôi được! Cảm ơn chú đã đến chung vui với bố con tôi, chú về cẩn thận – Ông anh chủ nhà cho phép.
Được lời, hắn vội xỏ dép, tấp tểnh ra về, vừa đi vừa nghĩ:
Các cụ xưa có câu:
Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu
Thoại bất đồng tâm bán cú đa
Câu sau thì đúng rồi, nhưng chả nhẽ đời hắn chưa một lần gặp tri kỷ chăng? Không thế thì tại sao uống rượu với anh em, bạn bè nhiều lần như thế rồi, lần nào cũng mới tầm xung quanh nửa lít chứ làm gì đã đến độ “thiên bôi” (nghìn chén) mà mười bận đều đơ cả mười là sao?
Muốn biết hắn hồi gia, dệt chiếu ra sao? Xem hồi sau sẽ rõ./.
HỒI THỨ BA: HỒI GIA, DỆT CHIẾU
Rượu ngon chàng gặp bạn hiền
Chân xiêu miệng phún để phiền cho ai
Trước nói, hắn vừa đi vừa băn khoăn về vấn đề “Tửu phùng tri kỷ…”, bỗng chốc, đã về đến nhà.
Cổng khoá, hắn lấy chùm chìa khoá trong túi quần ra, loay hoay tra mở. Lạ thay, chẳng cái nào vừa là sao? Mà nó vẫn ở đây chứ đâu?
Nghe tiếng lạch xạch ngoài cổng, vợ hắn ở trong nhà chạy ra đon đả:
– A! Chàng đã về, cứ để đấy cho em.
Rồi thị nhanh nhảu mở cổng đón hắn.
Hắn chập choạng bước vào, trong lòng thấy vui vui với ý nghĩ: Vợ mình cũng chu đáo lắm! Đáng yêu ra phết ấy chứ.
Qua khoảng sân rộng, bỗng đâu một cơn gió lạnh cuối đông làm hắn rùng mình. Tức thì trong hắn xuất hiện nhu cầu trào ngược. Hắn liền vận đến bảy, tám phần công lực, miệng phún ra một dòng vật chất có mùi vị và màu sắc khó mà diễn tả. Trường hợp này cánh uống rượu chuyên nghiệp gọi là: cho chó ăn chè.
Cũng thường thôi, uống nhiều thì tất phải livơpun, đạo lý này thì ai mà chả biết.
– Uống cho lắm vào, sướng nhé! – Vợ hắn nghiến răng kèn kẹt.
– Nàng không biết đấy thôi, người ta mời nhiệt tình như thế, nể lắm, không thể không uống – Hắn giải thích.
– Mời thì báo cáo là em sức khoẻ không tốt, từ chối đi thì ai nỡ đè chàng ra mà đổ rượu? Chẳng qua là chàng cũng thích uống lắm cơ, lại còn giả bộ. Chẳng biết giữ mồm, giữ miệng gì cả – vợ hắn tiếp tục.
Hắn vào nhà, leo lên giường, kéo chăn. Nghe vợ cằn nhằn hắn đã thấy bực mình. Nhưng thôi, chả chấp, đúng là cái đồ đàn bà, chẳng hiểu cái gì sất, mà thân con ri con sẻ thì hiểu sao được cái chí của chim hộc, chim hồng cơ chứ? Có nói thêm cũng bằng thừa. Cơ mà nó nói cũng đúng đấy chứ? Đã có ai đè hắn ra mà đổ rượu bao giờ đâu nhỉ? Cái con mẹ này Đảng viên cán bộ chẳng phải; triết học Mac – Lê nin thì không biết đã học được mấy tiết mà hễ nói ra cái gì là y như rằng đúng phắp như chân lý là sao? Hắn có đôi phần thán phục nhưng vẫn vớt vát chút thể diện:
– Các cụ xưa có câu: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, thế ra cô muốn chồng cô lúc nào cũng như cái lá cờ không có gió chứ gì?
Nói xong, hắn lại thấy bụng dạ khó chịu, liền quát vợ:
– Còn không mau mang cái chậu lên đây!
Vợ hắn đang thu dọn đám vật chất hắn vừa phun ra ở ngoài sân, mặt mũi nhăn nhó nhưng vẫn tất tả chạy xuống bếp bê lên một cái chậu.
– Chậu sạch đâu mà không lấy, lấy cái chậu cho lợn ăn, bẩn như thế thì cô bảo ai mà nôn cho được – Hắn lại quát tướng.
Nhưng quát thế thôi chứ hắn không kìm nén thêm được nữa, liền nôn luôn một tua vào đúng cái chậu cho lợn ăn. Vợ hắn đưa cốc nước lạnh, hắn súc miệng òng ọc rồi cũng nhổ ngay vào cái chậu ấy.
– Thế bây giờ chàng đương là cái cờ rũ hay cờ no gió đây? – Vợ hắn hỏi đá xoắy rồi nhăn mặt bê cái chậu chạy ra ngoài.
Sau khi nôn ra được, cảm thấy nhẹ nhõm trong người, hắn mệt và chập chờn ngủ lúc nào chẳng biết trong khi vợ hắn vẫn lẻm bẻm giáo huấn gì đó, hắn không rõ, cũng không có nhu cầu tiếp thu hay khẩu chiến gì nữa.
3 giờ 30 chiều, hắn tỉnh giấc khi nghe vợ lại lạch xạch mở cổng và nói chuyện với ai ngoài ngõ:
– Mời hai bác vào nhà, ông nhà em còn say rượu, vẫn chưa tỉnh.
– Cứ để cho nó ngủ, “cuộc đời thằng say như ông hoàng đi máy bay”, sướng nhất ông bạn rồi nhé – Hắn nghe tiếng ông bạn thân, nhà ở đầu huyện vừa tới, cười nói ngoài ngõ. Hắn vội trở dậy chỉnh đốn trang phục đón khách.
Sau một hồi cùng uống trà, đôi bên thăm hỏi chuyện trò rôm rả, ông bạn đặt vấn đề:
– Ngày mốt vợ chồng tôi tổ chức lễ cưới cho thằng cháu út. Chúng tôi trân trọng mời hai bạn đến chung vui cùng gia đình. Cũng lâu rồi không có dịp gặp mặt nên tôi mời ông bà từ bữa tối hôm trước để có thời gian anh em mình uống với nhau mấy chén cho thoả nỗi nhớ mong.
– OK! Không say không về – Hắn hăm hở nhận lời.
Thật đúng là:
Đương khi sóng gió chửa tan
Lại nghe trực khởi một màn bão xa
Rồi giằng co nhau một hồi, nhưng ngặt nỗi vợ chồng ông bạn đang vội lo việc lớn nên không thể ở lại dùng bữa cơm rượu tối theo lời mời của vợ chồng hắn.
Tiễn khách xong, vợ hắn liền ném về phía hắn một cái lườm khá trìu tượng, đồng thời nói với hắn qua kẽ răng:
Giời ạ! Chứng chết vẫn cứ không chừa./.
TuyetKy.com chúc bạn luôn sống vui khỏe!
Cảm ơn bạn đã ghé thăm TuyetKy.com, nếu bạn thấy hữu ích vui lòng chia sẻ tới mọi người.
2 Responses
[…] (Tửu đạo) […]
[…] TỬU ĐẠO – TuyetKy.com […]