THẦY, TRÒ và chữ LỄ

Năm nọ, cậu học trò học chậm nhất lớp đến chúc Tết thầy…

Ông đồ quá ngạc nhiên vì trò này luôn chậm chạp nhất lớp lại đến chúc Tết thầy sớm nhất.

Thầy hỏi:

– Sao con không đi cùng các bạn mà đến một mình?

Cậu học trò khoanh tay thưa:

– Tại vì con học dốt, tiếp thu chậm nên con ngại đi cùng các bạn. Hơn nữa, nếu đi cùng các bạn thì khi đến, cả buổi thầy chỉ nói chuyện với những bạn giỏi thôi… Con sẽ không được trò chuyện cùng thầy…

Ông đồ trầm ngâm một lúc rồi sai vợ lấy ra một chiếc phong bao, một đĩa xôi với cái đùi gà. Thầy chỉnh lại vạt áo rồi nâng cái khay lễ lên, nói:

– Ngày Tết, thầy có lễ mọn biếu con. Thầy vui vì ngày đầu năm con đã cho thầy một bài học lớn. Con cũng là thầy của ta…

Cậu học trò dốt mặt tái xám, lắp bắp:

– Con xin lỗi thầy! Con nói gì không phải, mong thầy bỏ qua. Xin thầy đừng làm thế. Con sợ lắm…!

Ông đồ bảo:

– Không. Con không nói sai gì cả. Câu nói thật của con đã cho ta một bài học quý giá. Đã làm thầy thì phải biết đối xử công bằng với tất cả học trò. Dù là trò chậm, dù trò giỏi, dù gia cảnh trò khó khăn bần hàn hay giàu có thì người thầy cũng phải đối xử công bằng. Con cũng chính là thầy của ta…

Sau Tết đó, cả ông đồ và cậu trò chậm kia đều thay đổi. Cậu trò học tiến bộ rất nhiều, sau này thi cử đỗ đạt hiển vinh và được làm quan trong Triều.

Ai cũng có ít nhất một người thầy.

Ai cũng có thể trở thành một người thầy của ai đó…Thầy và trò đều lấy lễ mà đối xử với nhau. Chỉ ai ngông cuồng mới đòi bỏ lễ ra khỏi giáo dục vậy.

Gia Nguyễn chia sẻ từ An Van Tao

TuyetKy.com